Nhân Vật

Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng (Tiếng Trung: 秦始皇) (18 tháng 2 năm 259 TCN – 11 tháng 7 năm 210 TCN), tên huý là Chính (政), tính Doanh (嬴), thị Triệu (趙) hoặc Tần (秦), là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN.

Tần Thủy Hoàng Đế
Tần Thủy Hoàng Đế

 

Ông lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và trở thành Hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là “Hoàng đế” (皇帝) và tự gọi mình là Thủy Hoàng đế (始皇帝).

Tần Thủy Hoàng là người đã đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc phong kiến tập quyền Trung Hoa kéo dài mãi đến khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912. Sau khi thống nhất Trung Hoa, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.

Ông đã tiến hành nhiều đại dự án, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi đội quân đất nung, chinh phạt phương Nam để mở rộng lãnh thổ. Những chính sách này đặt nền móng thống nhất lâu dài cho nước Trung Hoa rộng lớn sau gần 500 năm chia cắt và chiến tranh liên miên, nhưng với cái giá phải trả là rất nhiều mạng người và sự lao dịch mệt nhọc, nỗi oán hận của người dân. Để dập tắt những ý kiến trái chiều và áp đặt tư tưởng theo trường phái Pháp gia, ông đã cho đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống nhiều học giả. Ông trị vì 37 năm, trong đó xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm, qua đời vì bệnh vào năm 210 TCN ở tuổi 49. Sau khi ông qua đời, nhà Tần sớm diệt vong chỉ 3 năm sau đó.

Tên gọi

Phần lớn các nguồn tham khảo hiện đại của Trung Quốc lấy Doanh Chính là tên cá nhân của Tần Thủy Hoàng, với Doanh là họ và Chính là tên. Tuy nhiên, thời Trung Quốc cổ đại có cách gọi tên khác với thời hiện đại. Trường hợp của ông, vì sinh ra ở nước Triệu nên Triệu có thể dùng làm họ. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ông được giới thiệu tên Chính, họ Triệu. Dù vậy, sau này Trung Quốc lấy họ của tổ tiên mà gọi, do đó Doanh Chính là tên được đại đa số đồng thuận khi nhắc đến tên riêng của Tần Thủy Hoàng, vì ông là con cháu nhà Doanh, họ chung của các vua Tần.

Những người cai trị nhà Tần đã tự phong Vương từ thời Tần Huệ Văn vương năm 325 TCN. Sau khi lên ngôi, Doanh Chính được gọi là Tần vương Chính. Danh hiệu này nhấn mạnh ông đứng ngang hàng về mặt danh nghĩa với người cai trị nhà Thương và nhà Chu.

Trong thời gian trước thời nhà Chu và sau đó, các nhà cai trị các quốc gia độc lập của Trung Quốc theo quy ước đều xưng “Vương” (王). Sau khi đánh bại vị vua chư hầu cuối cùng của Chiến Quốc vào năm 221 TCN, Tần vương Chính chính thức trở thành người cai trị trên toàn lãnh thổ Trung Hoa. Để ăn mừng thành tích này và củng cố cơ sở quyền lực của mình, Doanh Chính đề nghị các đại thần bàn danh hiệu cho mình. Sau khi bàn bạc, các đại thần tâu lên Tần vương Chính:

“ Ngũ Đế ngày xưa đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của man di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh, giết bọn tàn ác và nghịch tặc, bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận và huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ đến nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng. Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: Ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng, mệnh ban ra gọi là “chế”, lệnh ban ra gọi là “chiếu”, thiên tử tự xưng gọi là “trẫm”. ”

Tuy vậy, Doanh Chính quyết định không lấy chữ “Thái”, mà lấy chữ “Hoàng” (皇) và chữ “Đế” (帝) theo thần thoại Tam Hoàng Ngũ Đế (三皇五帝), tạo ra một danh hiệu mới là Hoàng đế. Ông tự xưng là Tần Thủy Hoàng Đế (秦始皇帝), thường được rút ngắn là Tần Thủy Hoàng (秦始皇), thay thế cho tên gọi Tần Vương (秦王). Những lời tâu khác thì ông đều làm theo, từ đó mệnh ban ra gọi là chế, lệnh ban ra gọi là chiếu, thiên tử tự xưng là trẫm. Ông truy tôn vua cha Tần Trang Tương vương là Thái thượng hoàng.

“ Trẫm nghe nói thời Thái Cổ có hiệu nhưng không có hiệu bụt. Thời Trung Cổ có hiệu và sau khi chết người ta căn cứ vào việc làm của nhà vua mà đặt hiệu bụt. Làm như thế tức là con bàn bạc về cha, tôi bàn luận về vua, thật là vô nghĩa. Trẫm không chấp nhận điều ấy. Từ nay trở đi, bỏ phép đặt hiệu bụt. Trẫm là Thủy Hoàng Đế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi. ”
— Tần Thủy Hoàng

Ý nghĩa của tên hiệu “Tần Thủy Hoàng Đế”:

Chữ Thủy (始), lấy từ từ Thủy Tổ, có nghĩa là đầu tiên. Người thừa kế sau đó sẽ được gọi tiếp là “Nhị Thế”, “Tam Thế” và như vậy cho đến muôn đời. Ngoài ra, theo Lý Tư, nhà Tần lấy được thiên hạ từ nhà Chu, nhà Chu mệnh Hoả nên nhà Tần nên sử dụng hành thủy để tỏ rõ là hơn nhà Chu một bậc
Chữ Hoàng Đế (皇帝) được lấy từ thần thoại Tam Hoàng Ngũ Đế (三皇五帝), nơi chữ này được trích ra. Bằng cách thêm vào một tiêu đề như vậy, Tần Thủy Hoàng hy vọng sẽ có sự thiêng liêng và uy tín của Hoàng Đế (皇帝) trước kia.

Ngoài ra, chữ “Hoàng” (皇) có nghĩa là “sáng” hay “lộng lẫy” và “thường xuyên nhất được sử dụng như là một chữ chỉ thiên đường”.

Thân thế

Tần Thủy Hoàng Doanh Chính là con trai của Tần Trang Tương vương Doanh Dị Nhân (tên khác là Doanh Tử Sở). Mẹ của Doanh Chính là Triệu Cơ, mỹ nhân nước Triệu, đàn hay múa giỏi, vốn là thiếp của Lã Bất Vi, một thương nhân giàu có. Doanh Chính sinh năm 259 TCN ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu (趙). Sử ký Tư Mã Thiên ghi chép về song thân và nơi sinh của Doanh Chính, nhưng cũng chép giả thuyết Doanh Chính là con đẻ của Lã Bất Vi.

Năm 265 TCN, Tần Chiêu Tương vương lập con trai thứ là An Quốc quân Doanh Trụ làm Thái tử. Dị Nhân là con trai giữa của Thái tử với người vợ thứ là Hạ Cơ. Hạ Cơ không được An Quốc quân yêu mến, nên Dị Nhân phải đi làm con tin của Tần ở nước Triệu để đảm bảo hai nước không động binh đao. Tần nhiều lần đánh Triệu, chôn sống bốn mươi vạn quân Triệu ở trận Trường Bình, nên nước Triệu bạc đãi Dị Nhân. Đại phú thương Lã Bất Vi ở Triệu thấy vậy đã kết giao và chu cấp cho Dị Nhân, mưu giúp Dị Nhân làm thái tử nước Tần để mình có thể nhờ Dị Nhân được thành danh. Đồng thời, Lã Bất Vi dâng Triệu Cơ cho Dị Nhân, lại giúp Dị Nhân về Tần làm Thái tử rồi đưa ông lên ngôi vua.

Giả thuyết cho rằng Doanh Chính không phải là con ruột của Dị Nhân, mà là con ruột của Lã Bất Vi, được tin tưởng rộng rãi trong suốt lịch sử Trung Quốc, đã góp thêm cái nhìn tiêu cực về Tần Thủy Hoàng. Giả thuyết này cho rằng, khi Triệu Cơ được dâng cho Dị Nhân, bà đã có bầu với Lã Bất Vi. Tuy nhiên, nhiều học giả nghi ngờ về giả thuyết này, do dựa vào thời gian mang thai của Triệu Cơ. Như Vương Tiễn cầm quân đánh dẹp Phàn Ô Kỳ đã nói: “Thái hậu có mang mười tháng mới sinh, vậy nay tức là con tiên vương đẻ ra…” Ngay trong thời đó, những người theo thuyết gán Lã Bất Vi là cha ruột của Doanh Chính cũng không thể lý giải một cách khoa học vì sao Triệu Cơ lại mang thai Doanh Chính tới 12 tháng mà lập luận theo cách “thiên mệnh” rằng: “Có thể tại lòng trời muốn sinh ra một vị chân mạng thiên tử nên mới để người mẹ hoài thai lâu như vậy…” Các nhà sử học lý giải rằng: Thực tế, Doanh Chính vẫn chỉ nằm trong bụng mẹ 10 tháng như những đứa trẻ khác kể từ khi Triệu Cơ về với Dị Nhân. Do cộng thêm thời gian Triệu Cơ ở với Bất Vi, thời gian mới là 12 tháng. Ngoài ra, giả thuyết này cũng được cho là sản phẩm của sĩ phu các nước chư hầu Sơn Đông bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt. Họ căm giận Tần đã đoạt nước của mình, nên nhân việc mẹ vua Tần từng là thiếp của Bất Vi đã đặt ra chuyện này nhằm hạ thấp Tần.

Các giáo sư John Knoblock và Jeffrey Riegel khi biên dịch Lã thị Xuân Thu bình rằng chuyện Doanh Chính con của Lã Bất Vi “rõ ràng là sai, nhằm mục đích phỉ báng Bất Vi và xúc phạm Thủy Hoàng đế”. Việc cho rằng Lã Bất Vi – một thương nhân – là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng là một sự phỉ báng sâu sắc, vì xã hội Nho giáo sau này coi thương nhân là tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

Học giả thời nhà Thanh là Lương Ngọc Thằng (梁玉繩) căn cứ nguyên văn mà Tư Mã Thiên chép trong Sử ký về việc Triệu Cơ sinh hạ, có ghi: . Trong đó, “Đại kỳ” một từ là chỉ ý việc phụ nữ đủ tháng sinh nở thời cổ, ám chỉ việc Triệu Cơ cùng Doanh Dị Nhân sau khi chung chạ thì mang thai, xác thực Triệu Cơ sau khi mang thai 10 tháng mới sinh ra Doanh Chính. Lương Ngọc Thằng chỉ ra rằng, Tư Mã Thiên đem cả hai cụm từ rất mâu thuẫn là cùng để chung trong một câu như vậy, là một loại bút pháp Xuân Thu, ám chỉ tin đồn rất phổ biến khi ấy là Triệu Cơ có thai trước khi hầu ngủ Doanh Dị Nhân nhưng không tiện phủ nhận.

Thời trẻ lưu lạc

Thời Chiến Quốc Thất Hùng, vì lợi ích nhất thời mà bảy nước có lúc liên minh, có lúc lại chiến tranh. Để biểu thị thành tâm, ngoài việc cam kết, nước đó còn phải gửi con cháu của mình đến nước liên minh làm con tin. Doanh Dị Nhân, cha của Doanh Chính, được Tần gửi đến Triệu làm con tin. An Quốc quân, thái tử của Tần Chiêu vương, có đến hơn 20 người con trai, nên cơ hội nối ngôi của Dị Nhân là rất thấp. Tuy nhiên, Lã Bất Vi, một thương gia giàu có người nước Vệ, lại đặc biệt chú ý đến Dị Nhân. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Lã Bất Vi quyết định đầu tư gia sản của mình vào Dị Nhân để mưu tính đại sự của mình ở nước Tần.

Doanh Chính ra đời ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu không lâu sau trận Trường Bình. Năm 257 TCN, Tần Chiêu Vương sai tướng Vương Hột (王齕) vây kinh đô Hàm Đan, Triệu cùng quẫn muốn giết Dị Nhân. Dị Nhân cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ canh ngục nên trốn thoát khỏi nước Triệu, nhưng Triệu Cơ cùng Doanh Chính không kịp trốn theo. Quân Triệu muốn giết cả hai người nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được, vì thế hai mẹ con đều sống sót.

Năm 250 TCN, Tần Chiêu Tương vương qua đời, An Quốc quân lên ngôi, tức là Tần Hiếu Văn vương, lập Dị Nhân làm Thái tử, nước Triệu bèn đưa Triệu Cơ và Doanh Chính về Tần. Hiếu Văn Vương làm vua không lâu thì chết, Dị Nhân kế thừa vương vị, tức là Tần Trang Tương Vương, phong Lã Bất Vi chức Thừa tướng, tước Văn Tín hầu. Năm 247 TCN, Tần Trang Tương vương mất sau ba năm trị vì, Doanh Chính khi ấy mới 13 tuổi được lập làm vua nước Tần.

Thời đại Tần vương Chính

Củng cố quyền lực

Năm 247 TCN, sau khi Tần Trang Tương Vương qua đời, Doanh Chính lên ngôi, tôn Triệu Cơ làm thái hậu, phong Lã Bất Vi làm thừa tướng, gọi là trọng phụ, coi như người cha thứ hai của mình.

Lã Bất Vi vốn là người tình cũ của thái hậu, thường ra vào hậu cung để tư thông với bà ta. Tần vương còn nhỏ không hay biết, hoặc giả vờ không hay biết. Sau đó, Lã Bất Vi sợ chuyện bại lộ nên ngầm sai người tìm kiếm một nam nhân cường tráng, có nam căn lớn tên là Lao Ái. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Bất Vi trước tiên dùng Lao Ái làm người nhà rồi dâng Ái vào hậu cung, giả làm hoạn quan bằng cách nhổ râu để “hầu hạ” thái hậu. Sau một thời gian, thái hậu sợ Tần vương Chính biết chuyện, xin dời sang sống ở Ung Thành cùng Lao Ái và sinh được hai con trai.

Nhờ thái hậu, Lao Ái được phong làm Trường Tín hầu, cũng mưu xây dựng thế lực, mở phủ nuôi thực khách như Lã Bất Vi. Lao Ái mưu đồ cho con của mình và thái hậu nối ngôi khi Tần vương Chính chết. Tuy nhiên, Lao Ái trong lúc uống rượu say đã khoe khoang mình là cha dượng của vị vua trẻ.

Năm 238 TCN, Lao Ái chiếm con dấu của thái hậu và dấy binh mưu phản. Triều đình treo thưởng hơn 100 vạn đồng cho ai bắt sống Ái và 50 vạn đồng cho ai chém được đầu Lao Ái. Vì thiếu sự ủng hộ rộng rãi và quân đội lỏng lẻo, Lao Ái cùng quân của mình nhanh chóng bị quân do Xương Bình quân chỉ huy đánh bại ở Hàm Dương. Ông bị xử ngũ mã phanh thây, cả ba họ và môn hạ đều bị giết. Tần vương còn tìm giết hai con riêng của Lao Ái với thái hậu và đày thái hậu sang đất Ung giam lỏng. Lã Bất Vi bị điều tra và phát giác. Tần vương Chính muốn giết Lã Bất Vi, nhưng vì ông có công lớn trong những năm làm thừa tướng, được các biện sĩ nói đỡ, nên không bị xử tử. Lã Bất Vi bị cách chức, triều đình cấp cho một cái ấp nhỏ ở Hà Nam. Tuy đã bị cách chức, danh tiếng Lã Bất Vi được nhiều người biết đến khắp Trung Hoa, nhiều tân khách và sứ giả của các chư hầu biết đến Lã Bất Vi và vẫn thường xuyên đến chỗ ông. Sau hơn một năm, lo ngại Lã Bất Vi làm phản, Tần vương Chính bắt ông và thuộc hạ dời sang đất Thục. Tự liệu mình sẽ bị sát hại, vào năm 235 TCN, Lã Bất Vi uống rượu độc tự tử. Do có công dẹp loạn Lao Ái, Xương Bình quân được phong làm thừa tướng, thay cho Lã Bất Vi.

Ngoài Lã Bất Vi và Lao Ái, Tần vương còn tranh đấu với em trai cùng cha khác mẹ của mình là Thành Kiệu (成蟜). Sau khi Doanh Chính lên ngôi, Thành Kiệu làm phản ở Đồn Lưu và đầu hàng nước Triệu. Nước Triệu trao cho Thành Kiệu đất Nhiêu (nay thuộc Nhiêu Dương). Vào năm 239 TCN, quân Tần đánh chiếm đất Nhiêu, Thành Kiệu tử vong tại đây

Bị hành thích lần thứ nhất

Sau khi sự việc làm phản của Lao Ái kết thúc, Tần vương Chính tiếp tục cho quân đội của mình đi đánh chiếm các nước khác. Nước Yên yếu thế, thường bị binh lính sách nhiểu, không thể chống chọi với Tần. Vì vậy, Thái tử Đan mưu dùng Kinh Kha hành thích Tần vương Chính vào năm 227 TCN. Khi mở bản đồ Kinh Kha rút thanh chủy thủ đâm Doanh Chính. Nhà vua liền lùi lại và rút thanh kiếm sau lưng để bảo vệ mình . Vào thời điểm đó, các quan đều không được phép mang vũ khí. Kinh Kha đuổi theo, cố gắng để đâm nhà vua nhưng lại trượt. Doanh Chính lại rút kiếm của mình và chém vào đùi Kinh Kha. Kinh Kha liền ném con dao găm nhưng lại tiếp tục nhắm trượt. Chịu tám vết thương từ kiếm của nhà vua, Kinh Kha biết rằng đại sự đã hỏng. Cả Kinh Kha và Tần Vũ Dương đều bị giết. 5 năm sau, Yên bị Tần tiêu diệt

Bị hành thích lần thứ hai

Cao Tiệm Ly là bạn thân của Kinh Kha, muốn báo thù cho cái chết của bạn mình. Tiệm Ly vốn giỏi gảy đàn trúc. Một ngày kia ông được triệu đến chơi nhạc cho Tần vương Chính. Trong cung có người có biết ông, liền nói: “Đây là Cao Tiệm Ly”. Tần vương Chính tiếc tài nghệ, không giết Tiệm Ly mà móc mắt, nhưng vẫn cho phép Cao Tiệm Ly chơi đàn cho mình. Tần vương Chính say mê tiếng đàn, mỗi ngày lại cho phép xích lại gần hơn. Cao Tiệm Ly lén đổ chì vào bầu đàn rồi nhân dịp Doanh Chính ngồi cạnh mà đánh nhưng vì mắt đã bị mù nên đánh không trúng. Cao Tiệm Ly sau đó bị xử tử

Thống nhất Trung Nguyên

Đến thời Chiến quốc, các chư hầu của nhà Chu đánh diệt lẫn nhau cuối cùng ở Trung Nguyên chỉ còn lại bảy nước lớn gọi là Chiến Quốc Thất hùng cùng một số nước nhỏ và nhà Đông Chu còn tồn tại thoi thóp. Trong bảy nước có nước Tần ở phía Tây thi hành tân pháp Thương Ưởng mà trở nên giàu mạnh, lấn át sáu nước còn lại. Nước Tần nhiều lần đánh Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, liên tục mở đất, các nước chư hầu phía Đông luôn bị đẩy vào thế chống đỡ, nhiều lần tổ chức liên minh hợp tung chống Tần nhưng chỉ đạt được một số thắng lợi tạm thời, không ngăn cản được Tần đông tiến. Tần vương tiếp tục duy trì chính sách “thân xa đánh gần”, giao hảo với nước Tề, uy hiếp lấn chiếm các nước còn lại. Nước Tề vì giao hảo với nước Tần nên không ra quân cứu các chư hầu khác, nhưng cuối cùng cũng bị nước Tần thôn tính.

Tần vương Chính kế ngôi vào giai đoạn cuối của Chiến Quốc, lúc đó thế lực của Tần đã rất mạnh, tập hợp nhiều nhân tài. Tần vương Chính bên trong dùng Úy Liêu, Lý Tư bày mưu kế, bên ngoài dùng các tướng tài như Vương Tiễn, Vương Bí, Mông Ngao, Mông Vũ, Mông Điềm, Lý Tín làm tướng đánh dẹp các nước.

Năm 230 TCN, Tần đánh Hàn. Hàn từng bại dưới tây Tần nhiều lần, lại là nước nhỏ yếu nhất trong 7 nước, nên là nước đầu tiên bị diệt. Hàn vương An sợ hãi, vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất. Tần vương đặt đất đai còn lại của nước Hàn làm quận Dĩnh Xuyên.

Năm 229 TCN, Tần vương hạ lệnh đánh Triệu. Tướng Triệu Lý Mục cầm quân đẩy lui được quân Tần. Tần vương bèn dùng kế ly gián, sai người đút lót cho gian thần nước Triệu là Quách Khai, xúi Quách Khai nói rằng Lý Mục đang có âm mưu tạo phản. Triệu U Mục vương nghe lời gièm pha, bèn giết chết Lý Mục. Cùng năm đó Triệu lại gặp phải động đất, quần Tần chớp thời cơ đánh riết, dồn Triệu vào đường cùng. Năm 228 TCN, quân Tần chiếm kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu vương Thiên. Anh Thiên là Triệu Gia chạy lên đất Đại phía bắc xưng vương.

Năm 227 TCN, sau khi bị Kinh Kha ám sát hụt, Tần vương cho đại tương Vương Tiễn và phó tướng Mông Vũ cầm quân đánh Yên. Quân Yên đại bại tại Dịch Thủy, đất đai quá nửa bị Tần chiếm. Sau đó quân Tần công phá Kế Thành, Yên vương Hỉ cùng thái tử Đan dẫn quân lui về Liêu Đông, Lý Tín xuất quân truy đuổi và giành thắng lợi lớn. Yên vương trong thế bị dồn ép đã giết thái tử Đan (người đã ra lệnh cho Kinh Kha ám sát Doanh Chính) rồi dâng thủ cấp để cầu hòa. Quân Tần chấp nhận lời cầu hòa, Yên được thoi thóp được thêm ba năm nữa.

Năm 225 TCN, Vương Bí chỉ huy quân Tần đánh kinh đô Đại Lương của Ngụy. Quân Tần cho quân dẫn nước sông Hoàng Hà làm ngập thành làm chết hàng vạn người. Ngụy vương Giả không chống nổi phải ra hàng.

Năm 225 TCN, Tần vương Chính sai Lý Tín mang 20 vạn quân đánh Sở. Lý Tín bị tướng Sở là Hạng Yên đánh bại. Tần vương bèn nghe theo lão tướng Vương Tiễn, tổng động viên 60 vạn quân giao cho Vương Tiễn ra mặt trận. Vương Tiễn đánh Sở trong 2 năm, đánh bại Hạng Yên, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy thoát, lập vua Sở mới là Xương Bình quân lên ngôi. Vương Tiễn lại đánh tiếp xuống phía nam, giết chết vua Sở và Hạng Yên, bình định nước Sở. Nước Sở, chư hầu lớn nhất và kình địch lớn nhất của Tần bị tiêu diệt vào năm 223 TCN

Năm 222 TCN, quân Tần do Vương Bí chỉ huy tiến vào Liêu Đông để diệt nốt Yên đang thoi thóp. Yên vương Hỉ bị bắt, nước Yên bị diệt.

Quân Tần nhân đó tiến sang đánh đất Đại. Đại vương Gia (anh Triệu vương Thiên) tự sát.

Năm 221 TCN, Doanh Chính lấy cớ Tề vương Kiến đem 30 vạn quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam tiến vào kinh đô Lâm Truy. Nước Tề suốt mấy chục năm không động binh đao, dân quen liềm hái hơn cung nỏ, vì vậy thấy quân Tần hùng hậu tiến vào thì mau chóng tan vỡ. Tề vương Kiến quyết định đầu hàng. Cả sáu nước hoàn toàn bị thôn tính.

Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn Trung Hoa được thống nhất. Trong cùng năm đó, Doanh Chính tự xưng là “Thủy Hoàng Đế” (始皇帝), không còn là một vị vua theo nghĩa cũ và vượt qua thành tựu của các vị vua nhà Chu

  • Bạn có thể xem thêm nhiều hơn tại đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7n_Th%E1%BB%A7y_Ho%C3%A0ng

Tốt nghiệm ngành xã hội học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2013

Back to top button